Tinh trùng ít: Triệu chứng và nguyên nhân phổ biến

1. Tinh trùng ít nghĩa là gì?

Số lượng tinh trùng được xác định là thấp hơn mức bình thường khi có dưới 15 triệu tinh trùng trong một ml tinh dịch (thậm chí có thể hoàn toàn không có tinh trùng trong tinh dịch).

Số lượng tinh trùng ít đồng nghĩa với việc cơ hội có tinh trùng tiếp cận và thụ tinh thành công cho trứng giảm đi, do đó khả năng mang thai thấp đi. Tuy vậy, trên thực tế nhiều nam giới có số lượng tinh trùng ít vẫn có con bình thường.

2. Triệu chứng của tinh trùng ít

Triệu chứng chủ yếu và nổi bật nhất của tinh trùng yếu là không thể thụ thai. Ngoài triệu chứng này có thể sẽ không có bất kì biểu hiện nào khác. Ở một số nam giới có những bệnh lí nền như rối loạn di truyền, mất cân bằng nội tiết tố, giãn tĩnh mạch tinh hoặc có một sự cản trở đường di chuyển của tinh trùng có thể xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng.

Các triệu chứng của số lượng tinh trùng ít có thể còn có:

  • Các vấn đề liên quan tới hoạt động tình dục, ví dụ như giảm ham muốn tình dục, duy trì sự cương cứng gặp khó khăn (rối loạn cương dương)
  • Đau, sưng hoặc có khối bất thường ở khu vực tinh hoàn
  • Lông, tóc thưa hoặc các dấu hiệu khác biểu hiện sự bất thường của di truyền hoặc nội tiết tố

3. Khi nào cần tham vấn bác sĩ?

Hãy tham vấn bác sĩ nếu sau một năm quan hệ tình dục thường xuyên, không sử dụng bất kì biện pháp tránh thai nào mà vẫn không thụ thai, hoặc sớm hơn nếu:

  • Có các vấn đề về cương dương hoặc xuất tinh, suy giảm hứng thú tình dục, hoặc các vấn đề hoạt động tình dục khác
  • Đau, khó chịu, sưng, hoặc có khối bất thường vùng tinh hoàn
  • Có tiền sử bệnh lí về tinh hoàn, tiền liệt tuyến hoặc các vấn đề về tình dục
  • Đã phẫu thuật vùng bẹn, tinh hoàn, dương vật hoặc vùng bìu

4. Các nguyên nhân khiến số lượng tinh trùng ít

Quá trình sản xuất tinh trùng là một quá trình phức tạp và cần sự hoạt động bình thường của tất cả các bộ phận liên quan như tinh hoàn, vùng dưới đồi và tuyến yên. Một khi tinh trùng được sản xuất ra trong tinh hoàn, chúng sẽ được vận chuyển để hòa trộn vào cùng tinh dịch và sẽ theo cùng tinh dịch ra ngoài khi xuất tinh. Bất kì một vấn đề nào xảy ra trong quá trình này đều có thể ảnh hưởng tới sự sản xuất tinh trùng. Bên cạnh đó cũng có nhiều nguyên nhân gây ảnh hưởng tới hình dáng bình thường, sự di động cũng như khả năng hoạt động của tinh trùng.

Tuy nhiên trên thực tế nguyên nhân gây ra tinh trùng ít thường khó xác định.

4.1. Nguyên nhân bệnh lí

Một số bệnh lí cũng như phương pháp điều trị có thể gây nên tình trạng tinh trùng ít, chúng bao gồm:

  • Giãn tĩnh mạch tinh: giãn tĩnh mạch tinh là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây vô sinh ở nam giới, nhưng rất may có thể chữa trị được. Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch tinh chưa được biết rõ. Giãn tĩnh mạch tinh gây suy giảm chất lượng tinh trùng.
  • Nhiễm trùng: một số nhiễm trùng gây ảnh hưởng tới quá trình sản xuất tinh trùng hoặc sức khỏe tinh trùng hoặc tạo ra các sẹo cản trở trên con đường vận chuyển tinh trùng (cản trở cơ học). Những trường hợp này gồm có viêm mào tinh hoàn, viêm tinh hoàn, một số bệnh lây truyền qua đường tình dục (gồm bệnh lậu, HIV). Dù một số nhiễm trùng có thể gây tổn thương tinh hoàn vĩnh viễn, nhưng đa số trường hợp vẫn có thể lấy được tinh trùng.
  • Rối loạn xuất tinh: xuất tinh ngược là tình trạng tinh dịch không xuất ra ngoài mà xuất ngược trở lại vào trong bàng quang. Có khá nhiều nguyên nhân gây xuất tinh ngược (và cả tình trạng không thể xuất tinh), bao gồm đái tháo đường, tổn thương tủy sống, phẫu thuật bàng quang, tiền liệt tuyến,… Một số thuốc điều trị cũng gây ra rối loạn xuất tinh như thuốc chẹn beta điều trị tăng huyết áp. Rối loạn xuất tinh có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn, nhưng trong đa số trường hợp rối loạn vĩnh viễn, tinh trùng vẫn có thể lấy được trực tiếp từ tinh hoàn.
  • Bệnh tự miễn: hiếm gặp, là khi kháng thể tấn công và tiêu diệt tinh trùng của cơ thể.
  • Các khối u: bản thân các khối u có thể gây mất cân bằng nội tiết tố, ảnh hưởng tới cơ quan sinh sản; hoặc quá trình điều trị các khối u gây ảnh hưởng tới khả năng sinh sản ở nam giới.
  • Mất cân bằng nội tiết tố: các nội tiết tố là thành phần không thể thiếu trong quá trình sản xuất tinh trùng. Do vậy, sự mất cân bằng nội tiết sẽ gây tổn hại tới quá trình này.
  • Cản trở trên đường vận chuyển tinh trùng: đường vận chuyển tinh trùng có thể bị các cản trở cơ học làm gián đoạn, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của nam giới. Nguyên nhân của các cản trở này có thể do chấn thương, nhiễm trùng, phẫu thuật,…
  • Các phẫu thuật trước đây: một số phẫu thuật nhất định có thể khiến tinh dịch xuất ra không có tinh trùng, như thắt ống dẫn tinh, mổ thoát vị bẹn, phẫu thuật bìu hoặc tinh hoàn, phẫu thuật tiền liệt tuyến,… Trong đa số trường hợp, có thể sử dụng phẫu thuật để hồi phục lại trạng thái bình thường, hoặc lấy tinh trùng trực tiếp từ mào tinh hoàn hoặc tinh hoàn.
  • Một số thuốc điều trị: một số thuốc điều trị có thể gây hại trực tiếp tới quá trình sinh tinh và làm giảm khả năng sinh sản ở nam giới.
  • Các nguyên nhân khác: rối loạn di truyền, dị tật bẩm sinh, tinh hoàn ẩn,… đều có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản ở nam giới.

4.2. Nguyên nhân môi trường

Quá trình sinh tinh và khả năng hoạt động của tinh trùng sẽ bị ảnh hưởng nếu cơ thể phơi nhiễm quá mức với một số tác nhân:

  • Hóa chất công nghiệp: phơi nhiễm kéo dài với benzene, toluene, xylene, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, dung môi hữu cơ, vật liệu sơn,… có thể khiến số lượng tinh trùng ít.
  • Kim loại nặng: phơi nhiễm với chì và các kim loại nặng khác có thể gây vô sinh.
  • Tia xạ: phơi nhiễm với tia xạ có thể làm giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng sinh tinh. Trong trường hợp có thể hồi phục cũng cần vài năm để trở lại bình thường.

4.3. Lối sống và các nguyên nhân khác

Các nguyên nhân khác gây tinh trùng ít có thể là:

  • Uống rượu: rượu và các đồ uống có cồn có thể làm giảm nồng độ testosterone và gây giảm số lượng tinh trùng sinh ra.
  • Nghề nghiệp: một số nghề nghiệp nhất định có mối liên quan với vô sinh nam (như những nghề nghiệp phải ngồi nhiều), nhưng các bằng chứng còn chưa nhất quán.
  • Hút thuốc lá: nam giới hút thuốc có số lượng tinh trùng ít hơn so với những người không hút.
  • Căng thẳng, trầm cảm: gây tác động tới quá trình sinh tinh.
  • Cân nặng: béo phì vừa có thể tác động trực tiếp lên tinh trùng vừa làm mất cân bằng nội tiết tố (gây ảnh hưởng tới quá trình sinh tinh).

5. Phòng tránh tình trạng tinh trùng ít

Hiểu rõ các yếu tố ảnh hưởng tới số lượng và chất lượng tinh trùng để bảo vệ khả năng sinh sản, chẳng hạn như:

  • Không hút thuốc lá
  • Hạn chế hoặc không uống rượu
  • Không sử dụng ma túy
  • Duy trì cân nặng hợp lí
  • Tránh căng thẳng
  • Tránh phơi nhiễm với hóa chất độc hại, kim loại nặng
  • Tham vấn với bác sĩ về các phương pháp điều trị có khả năng ảnh hưởng lên sinh sản.
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x