Bệnh lý cơ xương khớp: Bệnh nghề nghiệp phổ biến nhất thế giới

Ở dân văn phòng, tỉ lệ mắc bệnh cơ xương khớp lên đến hơn 65%. Tỉ lệ ngày càng gia tăng do công việc của con người ngày càng liên quan nhiều tới máy vi tính.

Thập niên 2010 – 2020 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lựa chọn là “Thập niên xương và khớp”. Điều này cho thấy mức độ phổ biến và tính chất báo động của các bệnh lý cơ xương khớp.

Bệnh nghề nghiệp phổ biến nhất thế giới

Bệnh lý cơ xương khớp ở người làm văn phòng là bệnh nghề nghiệp phổ biến nhất trên thế giới. Tại Mỹ, các nước Scandinavia và Nhật Bản, đây cũng là nhóm bệnh nghề nghiệp lớn nhất.

Tác động của của bệnh lý cơ xương khớp có thể thay đổi với các triệu chứng nhẹ đến các rối loạn chức năng nghiêm trọng, thậm chí là di chứng tàn tật. Nó gián tiếp làm giảm chất lượng cuộc sống, giảm năng suất lao động, gây mất ngày công lao động và đẩy chi phí y tế tăng lên.

Các triệu chứng có khi là những cảm giác chủ quan của người bệnh như: đau, tê buốt, co cứng, mỏi; hoặc có khi là những biểu hiện rõ ràng ra bên ngoài như yếu sức cơ, hạn chế cử động, biến dạng hay nặng nề hơn là mất chức năng.

Trong số các triệu chứng nêu trên, đau là triệu chứng quan trọng và phổ biến nhất. Đau được WHO xem như là một dấu hiệu sinh tồn của con người, quan trọng không kém nhịp tim, huyết áp, nhịp thở.

Đau ở bệnh xương khớp giới văn phòng thường âm ỉ, nhưng lại dai dẳng nên có thể xem như một tình trạng đau mạn tính. Đau cơ xương khớp chiếm đến 60% các nguyên nhân gây đau mạn tính.

Nghiên cứu ở Hoa Kỳ cho thấy, đau ảnh hưởng lớn đến khả năng lao động, gây mất 4,6 giờ làm việc mỗi tuần, tiêu tốn chi phí hơn 61 tỷ USD/năm, 76% thời gian sản xuất bị mất do giảm hiệu suất làm việc không do sự vắng mặt. Đau mạn tính còn ảnh hưởng đến các hoạt động thể chất hàng ngày, mức độ cảm xúc, khả năng tận hưởng cuộc sống và thậm chí đến các mối quan hệ xã hội.

Các bệnh lý cơ xương khớp thường gặp ở dân văn phòng và nguyên nhân

Thống kê cho thấy, các vấn đề thường gặp ở giới văn phòng bao gồm đau lưng, đau cổ vai gáy, đau cổ tay/bàn tay, thiếu Vitamin D.

Đau lưng:

Dù không phải làm những công việc nặng nhọc, nhưng việc ngồi liên tục (trung bình 6 – 8 tiếng/ngày), ít vận động, hay ngồi không đúng tư thế (cúi người ra trước, đặt trọng tâm không đều trên hai mông, bắt chéo chân), đều có thể gây đau lưng.

Trường hợp nhẹ thì có thể gây ra tình trạng mỏi cơ vùng lưng thoáng qua. Nghiêm trọng hơn, đau lưng có thể là dấu hiệu báo động cho tình trạng thoái hóa cột sống hay thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.

Mỏi vai, đau gáy:

Khi chúng ta ngồi, hai cánh tay luôn ở tư thế dang ra trước, đầu thường có khuynh hướng cúi ra trước khiến cho các cơ vùng vai gáy phải gồng liên tục để giữ thăng bằng, cột sống cổ mất đi tư thế sinh lý. Sau khi ngồi làm việc một lúc lâu, chúng ta thấy mỏi vai, đau gáy. Đó là do các cơ bị quá tải.

Bệnh lý cổ tay, ngón tay:

Khi làm việc với máy tính, cổ tay bàn tay sẽ thường xuyên tỳ lên bàn phím, chuột máy tính. Khi đó, hai khớp cổ tay thường bị chèn ép và gần như bất động. Cổ tay bị chèn ép lâu ngày sẽ gây nên tình trạng tê, đau. Người bệnh cũng liên tiếp có cảm giác đau lan xuống ngón tay cái, ngón trỏ và ngón giữa. Trong trường hợp nặng có thể làm teo cơ ngón tay cái, gây giảm chức năng cầm nắm của bàn tay.

Đau tê mỏi, rối loạn dáng đi… do thiếu vitamin D:

Không trực tiếp gây ra các triệu chứng tại chỗ như nêu trên, nhưng tình trạng thiếu Vitamin D lại gây ra những ảnh hưởng gián tiếp nhưng ở quy mô toàn thân. Được mệnh danh là “Vitamin ánh nắng”, nghĩa là da sẽ tự tổng hợp ra vitamin D khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Thế nhưng, người làm văn phòng đi sớm về trễ, lại tự “nhốt” mình trong những tòa nhà kín nên khả năng thiếu vitamin D ở giới văn phòng rất cao.

Chúng ta thường biết đến vitamin D thông qua vai trò của nó đối với bộ xương. Theo đó, thiếu Vitamin D sẽ gây nên loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương. Thiếu vitamin D cũng ảnh hưởng đến chức năng thần kinh cơ, gây ra những cảm giác đau tê mỏi, rối loạn dáng đi và làm tăng nguy cơ té ngã.

Từ lúc phát hiện ra vitamin D cho đến nay chưa tròn một thế kỉ, nhưng hàng loạt các nghiên cứu đã cho thấy vitamin D đã vượt ra ranh giới của một vitamin thông thường và được các bác sĩ xem như một nội tiết tố. Thiếu vitamin D có liên quan đến bệnh tim mạch, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, giảm sức đề kháng trong các bệnh nhiễm trùng, HIV… Ít người biết rằng, không có vitamin D, cơ thể chỉ hấp thu 10-15% lượng Calci và 60% lượng phosphor mà chúng ta bổ sung. Tế bào tạo xương chỉ thực hiện quá trình tạo xương khi có mặt đủ vitamin D và khoáng chất. Vậy mà chúng ta lại ít khi chú ý đến tình trạng thiếu vitamin D, nhất là giới văn phòng.

Dân văn phòng cần tầm soát bệnh lý cơ xương khớp không?

Nhiều triệu chứng bệnh lý cơ xương khớp ở giới văn phòng diễn ra âm thầm hoặc chỉ là những cơn đau, mỏi ngắn. Công việc văn phòng lại thường tất bật nên ít người chú ý đến các triệu chứng, và có tâm lý bỏ qua. Chính sự chủ quan này đã khiến không ít trường hợp bệnh nặng nề hơn và làm cho việc điều trị trở nên khó khăn.

Lâu nay chúng ta thường có suy nghĩ bệnh lý cơ xương khớp chỉ thường gặp ở người già, nên có tâm lý thờ ơ chủ quan. Thực tế, khi nhận thấy các dấu hiệu đau nhức, cần can thiệp ở giai đoạn sớm, tránh tổn thương dẫn đến biến chứng và tàn phế. Vấn đề can thiệp sớm ở nhóm người trong độ tuổi lao động góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, hạn chế mất ngày công lao động, nâng cao năng suất làm việc, và giảm gánh nặng chi phí cho y tế.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x