Tập thể dục không đúng cách có thể gây thoái hóa khớp sớm

Tập thể dục quá mức hoặc không đúng cách là một trong những nguyên nhân gây tổn thương sụn khớp và xương dưới sụn, dẫn tới nguy cơ thoái hóa khớp sớm.

1. Thoái hóa khớp là gì?

Thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương các cấu trúc bên trong khớp, trong đó quan trọng nhất là sụn khớp và xương dưới sụn. Phản ứng viêm tại vị trí này tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các cytokin và enzyme tham gia vào quá trình phá hủy sụn khớp và xương dưới sụn. Người bệnh thoái hóa khớp có triệu chứng đau tăng khi vận động và thường đau nhiều hơn vào cuối ngày, vận động khớp bị giới hạn, nghe thấy tiếng lạo xạo, lụp cụp trong khớp.

Thoái hóa khớp là bệnh mạn tính, chủ yếu gặp ở tuổi trung niên. Một số yếu tố nguy cơ gây thoái hóa khớp là lớn tuổi, béo phì, vấn đề gen hoặc bị chấn thương khớp trước đó. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều trường hợp người trẻ tuổi bị thoái hóa khớp sớm do tập luyện thể thao quá mức hoặc phương pháp tập luyện không hợp lý.

2. Nguy cơ thoái hóa khớp sớm do tập thể dục không đúng cách

Một số môn thể thao tạo nhiều áp lực lên khớp như đá bóng, leo cầu thang, bóng chuyền, tennis, bóng rổ, cử tạ,… Sau khi tập luyện, các khớp sẽ cần có thời gian để phục hồi. Khớp có một số lượng nhất định tế bào sụn khớp. Tế bào sụn khớp tạo chất sụn, làm trơn láng hai mặt khớp, giúp cơ thể không bị đau đớn khi vận động. Lớp sụn khớp sẽ bị mòn dần theo thời gian, nhất là khi nó bị sử dụng quá mức. Nếu tập luyện quá mức, các cấu trúc trong khớp sẽ bị tổn thương, đặc biệt là sụn khớp và xương dưới sụn, gây thoái hóa khớp.

Bên cạnh đó, chơi thể thao dễ gặp các chấn thương. Chấn thương nhẹ là bong gân độ 1, chấn thương nặng hơn có thể là đứt dây chằng, dập sụn khớp,… Nếu thường xuyên bị chấn thương nhưng không được điều trị hợp lý hoặc không dành đủ thời gian phục hồi thì khớp sẽ bị mất vững. Khớp mất vững sẽ làm cho sụn khớp mau bị mòn hơn và dẫn tới nguy cơ thoái hóa khớp nhanh hơn, sớm hơn.

Bởi vậy, người tập thể thao cần tuân thủ đúng phương pháp tập luyện và có thời gian nghỉ ngơi hợp lý.

3. Chọn môn thể thao nào phù hợp?

Với người trẻ, sụn khớp còn tốt thì có thể chơi hầu hết các môn thể thao. Còn với người lớn tuổi, khi vận động nhiều có triệu chứng đau chứng tỏ khớp hoặc vùng gân nào đó đã bị thoái hóa. Nếu có triệu chứng đau tăng khi vận động, thường đau nhiều hơn về cuối ngày thì bệnh nhân nên giới hạn vận động khớp. Nếu bệnh nhân có nghe tiếng lạo xạo, lụp cụp trong khớp thì nên đến chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để được điều trị kịp thời.

Theo các chuyên gia y học thể thao, những môn thể thao phù hợp với người bị thoái hóa khớp là những môn không tạo sức nặng đè lên khớp gối như đi bộ, đạp xe đạp, bơi lội, tập gym,… Tập đi bộ dưới nước và các động tác thể dục dưới nước là phương pháp rèn luyện sức khỏe tốt cho những bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối.

Nếu chọn môn đi bộ, bệnh nhân chú ý không đi quá 30 phút/lần. Trước khi đi bộ, tốt nhất nên làm nóng khớp gối bằng cách gập duỗi gối, tập căng cơ cẳng chân trong khoảng 5 – 10 phút. Sau khi đi bộ về, không nên ngồi nghỉ ngay mà nên vận động gối nhẹ nhàng trong khoảng 5 – 10 phút.

Nhìn chung, để hạn chế nguy cơ thoái hóa khớp, mỗi người gần có chế độ vận động, tập luyện và nghỉ ngơi hợp lý. Khi tập luyện, người bệnh cần lựa chọn môn thể thao và nhịp độ vận động phù hợp với tuổi tác, tình trạng sức khỏe của mình.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x